Picture
             Sáng nay ngủ dậy trễ vì đêm qua thức quá khuya. Bên ngoài hàng quán chẳng còn ai bán cái gì ăn sáng điểm tâm được nữa vì đã hơn 9g rồi. Thôi đành để bụng đói lát ăn cơm trưa luôn. Một lát chị đi chợ, mua về cho gói bắp hầm (bắp giã). Gói bắp nhỏ xíu, chừng 4, 5 muỗng nhỏ là mình đã dứt sạch gói bắp thôi vì giá chỉ có 3 ngàn đồng. Mà mở cái gói bắp ra thích ơi là thích! Thích vì lâu lắm rồi dễ hơn mười mấy năm rồi mình mới thấy lại được gói bắp hầm được gói trong lá chuối, bẻ gập 2 đầu và cái muỗng xúc cũng làm bằng cái sống lá chuối được cắt nhỏ nhỏ, chuốt phẳng làm thành cái muỗng xúc bắp nhìn thật mộc mạc, làm nhớ đến những món ăn quà vặt buổi sáng của những ngày xưa.
            Chụp hình lại up lên facebook phe phang với mọi người về cái gói bắp hầm nhỏ xíu gói bằng lá chuối đó và thế là các bạn, các em like, like... mình biết mà, ai cũng nhớ, cũng hoài niệm về cái thời mà quà ăn sáng chỉ là những gói xôi, những ổ bánh mì lót dạ qua loa cho qua buổi sáng, mộc mạc giản đơn đến thân thương của một thời tuổi thơ....
              Những dòng comment cùa các em, các bạn, làm mình nhớ thêm những món ăn ngày xưa, của một thời tuổi thơ mà bây giờ không sao tìm lại được cái hương vị đó nữa. Một phần là do những người bán những món quà vặt đó bây giờ đã già, đã mất và từ đó không còn ai làm những món đó bán nữa..., một phần từ ngày đất nước mở cửa hội nhập cho đến nay, bất cứ món nào của vùng miền nào cũng tìm thấy được ở Sài Gòn, một đô thị lớn sầm uất, nhiều khi không phải do chính gốc đặc trưng của vùng miền đó mà người ta chạy theo thời, theo xu hướng, theo phong trào, thời điểm nào đó rộ lên những món ăn đó... qua một thời gian rồi thôi, rồi lại chuyển qua món khác... công nghiệp, bài bản, hình thức và mất đi cái hương vị đặc trưng của món ăn vùng miền ...
               Nhớ _ thuở bé, trong cái xóm nhỏ đường Hòa Hưng khu vực Khám Chí Hòa của mình, lúc đó người chưa đông như bây giờ, nhà cửa chưa xây cất cao ráo san sát, kín mít như bây giờ. Hàng quán cũng ít hơn bây giờ... mỗi buổi sáng chỉ có vài bà cụ, gọi là bà cụ vì các cụ già lắm rồi, tóc đã bạc phơ phơ nhưng vẫn gánh cái gánh 2 quang thúng bằng nan tre, đi dạo khắp hang cùng, ngõ hẻm trong cái xóm Hòa Hưng đó và rao "Ai xôi vò, xôi gấc, xôi đậu phọng, bánh tằm không?"
              Rồi cũng 1 bà cụ nữa, già hơn bà bán xôi đủ loại kia. Bà người Bắc, ốm gầy, nhưng vẫn ngày ngày quảy đôi quang gánh với 1 bên là thúng xôi vò, xôi đậu xanh. Còn 1 bên là nồi cháo đậu xanh, bên dưới là bếp than hồng lúc nào cũng có lửa liu riu để giữ nóng nồi cháo đậu xanh thơm lừng đó...  Xôi vò của cụ, nếp dẻo, hạt đậu xanh nguyên hạt quyện vào từng hạt nếp, bọc trong lá chuối xanh mướt, vò nắm lại thành 1 cục tròn vo vo... bà cụ nấu cho đường vừa ăn, không ngọt, không lạt... cắn vào cục xôi vò mùi nếp, mùi đậu xanh quyện trong hương lá chuối, thơm đến tận chân răng. Thật thích!
               Ngày bé, thuở đó mình mới học lớp 2, lớp 3 gì thôi. Mỗi sáng là mẹ mua cho một nắm xôi vò được bọc trong lá chuối như vậy để ăn rồi đị học. Có khi là tô cháo đậu xanh bốc khói thơm phức ăn với đường thốt nốt. Có khi là gói bắp giã, gói bánh tằm làm bằng bột năng, trong veo, dai dai thơm phức lẫn với những sợi dừa nạo.
              Rồi phía trong con hẻm sau nhà là một đại gia đình với truyền thống là nghề làm bánh xôi khúc. Cứ sáng sáng, vợ chồng cô chú, các con trai, con gái, con dâu... mỗi người một nồi bánh khúc nóng hổi như vậy tỏa ra khắp nẻo đường trong quận 10, quận 3, mỗi người đóng đô trước cửa 1 trường học để bán món xôi khúc gia truyền của gia đình ấy. Xôi khúc của gia đình cô chú ấy làm có cái vỏ bánh ở giữa dày, thơm thơm, dòn dòn, bên ngoài áo lớp nếp hạt rời rời, khô khô. Nhân đậu xanh bên trong thật mịn và được nêm nếm vừa ăn với vị mằn mặn, beo béo của 1 miềng thịt ba rọi và 1/4 cái trứng vịt...thật thơm, thật béo, thật bùi. Xôi cũng được bọc trong lá chuối và được rưới thêm 1 muỗng mỡ có cả vài miếng tép mỡ be bé lên trên cho ngậy lên mùi hương đặc trưng của xôi khúc. Có một thời gian, anh Hai của mình ăn chỉ mỗi món đó gần cả năm trời, sáng nào cũng dặn mẹ mua cho gói xôi khúc để ăn xong rồi đi dạy. Gia đình cô chú bán xôi khúc cho đến khi con cái lớn hết, trưởng thành, lập gia đình, chị lớn lấy chồng đi nước ngoài, khá giả lên và bán nhà ở xóm mình, dọn đi nơi khác. Cô chú cũng không làm xôi khúc bán nữa và từ đó cái món xôi khúc đặc trưng của gia đình ấy, cái vị xôi khúc ấy, bây giờ dù cho khắp Sài Gòn cũng bán đầy xôi khúc nhưng mình không thể nào tìm lại được cái vị xôi ngày bé vẫn ăn của gia đình cô chú hàng xóm mình làm. Chắc cô chú ấy có một bí quyết gì riêng cho món xôi khúc của mình chăng?!?


               Lại có môt bà cụ người Bắc, bà mất cũng khá lâu rồi. Trước đây mình không có cái khái niệm phân biệt Bắc Kỳ năm 54, Bắc Kỳ năm 75 gì cả... (xin lỗi các anh các chị nào người miền Bắc)... chỉ nghe người lớn nói với nhau thôi là cụ người miền Bắc vào năm 54. Và dù con cái vào Nam, lập nghiệp, thành đạt, nhưng cụ vẫn không thể bỏ cái thói quen mỗi sáng đều lọ mọ bưng thúng xôi bắp ra đầu hẻm nhà mà bán cho bà con quanh xóm làm quà ăn sáng. Mình nhớ, cụ có gương mặt phúc hậu, vui vẻ, vẫn còn quấn cái khăn mỏ quạ trên đầu như thói quen. Xôi bắp của cụ cực ngon, cực thơm với hạt bắp, hạt nếp dẻo, béo ngậy, thơm phức, bùi bùi. Phủ lên trên là lớp đậu xanh cà nhuyễn thật mịn, có cả lon Rigo đựng tép mỡ và nước mỡ béo rưới lên trên mặt bắp. Rồi dừa nạo sợi rắc lên trên, Ngày xưa mỗi lần mình tới mua bắp, nhờ giọng nói nhỏ nhẻ của mình nên cụ thương lắm. Lúc nào gói xôi bắp của mình mua, cụ bán cũng đầy ú nụ... ăn xong buổi sáng là no tới trưa luôn.  Và bây giờ xôi bắp cũng vẫn bán đầy, nhưng cũng không có cái vị của món xôi bắp của bà cụ người Bắc đáng mến với thúng xôi, với cái khăn mỏ quạ trên đầu dù đang ở đất Sài Gòn náo nhiệt, dù con cái nhiều lần đã bảo cụ thôi không bán nữa nhưng cụ vẫn bán, gói xôi năm ba ngàn ngày ấy...cho đến lúc cụ mất vì tuổi già... không làm giàu hơn được bao nhiêu nhưng là cái sự nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cái đặc trưng vùng miền của mình vì đâu đó đôi lúc đến mua xôi bắp, dù ngày nhỏ mình chẳng sâu sắc lắm nhưng vẫn thấy và cảm được cái ánh mắt đau đáu buồn xa xăm của cụ bà đội chiếc khắn mỏ quạ với cái áo bà ba hai túi và tiền xu thì được đựng trong cái ruột ngựa quấn ở thắt lưng mà mỗi khi mình đợi thối tiền lâu ơi là lâu vì bà cụ phải lần mò cởi cái dây rút, đếm kỹ từng đồng để thối lại...tỉ mẩn gom góp từng chút âu đó cũng là cái sự tần tảo của người phụ nũ xa quê vào lập nghiệp trên đất Sài Gòn nuôi con thành người chăng?!
                  Và quà vặt buổi trưa của cái xóm nhỏ nhà mình ngày xưa cũng dần bị mất đi những món chuối ép nướng của "bà Ba chuối nướng". Sở dĩ gọi thành tên như vậy luôn vì từ ngày bà mất đi, không ai làm được cái món chuối ép nướng như bà.Trái chuối sứ vừa chín tới, ép trong lá chuối, nướng trên bếp than hồng, thơm ngất ngây, nóng hổi rồi thoa lên lớp mỡ hành cho mùi thơm nức lên nữa, sau đó đổ lên trên nước cốt dừa nấu với bột báng... ngòn ngọt, chát chát của vị chuối vừa chín tới, thơm lừng của hương chuối và lá chuối nướng quyện vào nhau, vị béo của mỡ hành, của nước cốt dừa và dai dai, thơm thơm của bột báng... 
               Rồi món chè bánh canh được nấu bằng đường thùng của 1 bà mập mập, gánh đi bán mỗi buổi trưa chiều. Chắc bà cũng mất rồi vì lâu lắm rồi, dễ hơn chục năm không còn thấy bà nữa. Và cũng không tìm ra được ai nấu món chè bánh canh bột gạo thơm béo đó nữa. Rồi bánh đúc lá dứa rưới nước cốt dửa và nước đường thắng kẹo lại... rồi bánh khoai mì nhân dừa nướng...rồi món bánh bò, xôi vị của bà Tám Phát gần nhà... rồi lâu dần, xóm nhỏ nhà mình cũng không còn tiếng gõ lắc cắc của những xe hủ tiếu gõ mấy ông Tàu bán ngày xưa. Bây giờ xe hủ tiếu gõ cũng có đầy, nhưng là những xe hủ tiếu công nghiệp, cùng 1 lò nấu mà ra, chắng có vị thơm lừng của nước lèo ngày xưa mỗi lần đứng cạnh xe hủ tiếu gõ mở nắp thôi là mùi thơm theo khói tỏa ra nức mũi. Bây giờ xe hủ tiếu cũng chẳng còn thuê các em bé nghèo khuya khuya đi mọi ngõ ngách, hẻm hóc để khua gõ hai thanh tre lốc cốc như ngày xưa....
            Bây giờ, bánh giò, bánh gai, bánh chưng bán dạo khuya cũng không còn những tiếng rao buồn thảm não nữa mà được thay vào bằng cái băng thu âm sẵn và phát qua loa. Bây giờ Sài Gòn  mở cửa đêm bước xuống đường thức ăn đầy ra đó ... nhưng những cái hương vị của những món quà ăn sáng, ăn vặt ban trưa hay ăn lót dạ qua đêm nếu làm việc thức khuya... không còn như ngày xưa nữa. 
           Nhiều lúc ngẫm nghĩ nhớ về những món ăn ngày xưa... tự nhủ mình quá cổ lổ sĩ hay là tại bây giờ cái gì cũng đổi mới, cuộc sống đủ đầy hơn nên khao khát lại những cái vị của thuở còn khó khăn chăng???
         Chẳng biết nữa, chỉ biết rằng sáng nay, mở gói bắp giã giá 3 ngàn đồng của chị mua cho (bây giờ thức ăn sáng của Sài Gòn làm gì có món nào giá 3000 đồng nữa đâu) được bọc gói trong lá chuối, cái muỗng xúc cũng bằng sống lá vót thành... lòng rưng rưng điều gì đó. Nhất là khi chụp hình post lên Facebook, nhận được những lời comment của bạn bè, anh chị em đang ở xa xứ, xa quê hương,... mới biết ... thì ra dù ở nơi nào, bất cứ đâu, trong tim ai cũng có một ký ức của những món ăn , những hương vị của một thời thơ ấu...
 
                             Chiều đẹp trời, 3 chị em cùng tham gia một chương trình văn nghệ sân khấu quần chúng, sau buổi diễn phúc khảo cả 3 chị em kéo nhau đi cafe. Quán Thềm Xưa_một không gian khá tịnh cho những câu chuyện tâm giao bên tách cafe, bên những hàn huyên của 3 chị em không chung ngành nghề, không cùng lý tưởng , chỉ có duy nhất điểm chung là yêu nghề của mình, yêu công việc và tình yêu tâm linh với đạo, với đời...
                          Em trai, tuổi đời còn rất trẻ, 29 tuổi, hài hước, hóm hỉnh của một cậu thanh niên trẻ trung, yêu đời nhưng cũng có cái sự chững chạc, chín chắn và suy nghĩ sâu sắc của một chiến sĩ cảnh sát bảo vệ được giáo dục, rèn luyện và đào tạo trong môi trường chính trị chuyên nghiệp. Em có những suy nghĩ và nhận định về cuộc đời rất xác đáng. Bên câu chuyện về đời, những câu chuyện hài dí dỏm của công việc chuyên môn từng đứa. Em kể về đạo, về vấn đề tâm linh, tuy là một chiến sĩ cảnh sát có cái nhìn khách quan về những vấn đề thuộc lĩnh vực duy tâm nhưng em tin Đạo, em tin có nhân quả và cái hậu, cái đức của những người gieo nhân tốt, duyên lành và em kể... em kể bằng ánh mắt tin tưởng trong sáng về cái duyên lành, cái hậu mà em đã từng chứng kiến và tin vào điều đó. 
                         Nhà em bên Quận 8, gần nhà có ngôi chùa nhỏ nằm trong hẻm sâu do các ni sư trụ trì. Là con trai nên em cũng ít tin vào việc đi cúng bái, lễ lạt chùa chiền lắm nhưng em quen biết với 1 chị là chủ hàng vi tính nơi em thường đến chơi game. Thấy em tử tế đàng hoàng so với các cậu thanh niên khác trong xóm, chị thường nhờ em chở đến viếng chùa vì chị có mối thâm tình khá thân với ni sư trụ trì ngôi chùa nhỏ ấy. Nhiều lần đến viếng ngôi chùa nhỏ ấy em được nghe, được chứng kiến tận  mắt những gì mà các ni sư trong chùa kể lại, một câu chuyện có thật về 1 tấm gương mà đến giờ em vẫn không tin đó là sự thật, như hiện thân của một vị Bồ tát giữa cuộc sống này.
                        Trong Chùa hiện còn đang thờ những viên tro cốt có ánh màu xanh nhạt mà thường người ta gọi là Xá lợi của những bậc tu hành Chánh quả, sau khi về cõi NIết Bàn, hỏa thiêu xương cốt tích tụ lại thành những viên ngọc Phật như thế. Và những viên Xá lợi của ngôi Chùa nhỏ ấy hiện đang thờ là của một cô tín nữ sống và làm công quả trong Chùa từ bé đến lớn. Nghe kể lại rằng: Từ nhỏ, cô đã không có cha, không biết mặt cha mình là ai? Năm 4, 5 tuổi mẹ cô do lao động vất vả, nghèo nàn đã lâm bệnh mà mất. Cô mồ côi từ đó và được các ni sư trụ trì những đời trước của ngôi Chùa đem về nuôi nấng từ đó. Kể từ đó cho đến lớn cô sống trong Chùa, làm công quả, được các ni sư nuôi nấng dạy bảo, cô nghe và học thuộc kinh Phật, đọc làu làu không sót một chữ. Những đêm rằm, những ngày lễ Phật bá tánh đến cúng Chùa, đọc kinh, cô cũng ngồi tụng niệm không sai một câu, một chữ. Nhưng cô không quy y hẳn. Cô chỉ sống và làm công quả cho Chùa như thế thôi. Đến khi lớn, cô bắt đầu ra ngoài với đời và chọn cho mình cái nghề bán vé số. Ban ngày cô lang thang khắp nơi để bán những tấm vé số, chỉ có đến tối mới về lại Chùa ở và làm công quả cho Chùa. Bao nhiêu tiền bán vé số được trong những năm tháng, cô tích góp lại, không sử dụng bất cứ đồng nào cho cá nhân mình, Cô ky cóp như thế để cúng dường công quả cho Chùa, nhưng các ni sư không dám nhận những đồng tiền lao động vất vả như thế của cô và cô đã để những đồng tiền dành dụm ấy của mình, hàng năm đến mùa lễ Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân, cô làm giỗ mẹ mình thật lớn. Làm chay đàn, mời các ni, các thầy tụng niệm cho mẹ mình và các linh hồn vong nhân được siêu thoát. Và công việc ấy như một thói quen của cô hàng năm, là một mục đích sống duy nhất của cô trong suốt mấy mươi năm sống ở cõi đời. Cứ ngày ngày đi bán vé số, đêm về Chùa ngủ nghe kinh Phật, làm công quả, tiền bán buôn được dành dụm cả năm trời để làm giỗ mẹ, dù mẹ cô mất khi cô còn nhỏ. Năm này qua năm khác chỉ duy nhất một công việc như thế và đến khi cô hơn 60 tuổi thì không bệnh hoạn gì cả mà ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản trong một giấc ngủ. Chùa làm tang ma cho cô và hòa thiêu, sau khi hỏa táng, ai cũng ngỡ ngàng khi tro cốt cô để lại nhặt được là những viên Xá lợi ánh màu xanh như thế, và Chùa đã đem về thờ phụng những viên Xá lợi ấy và truyền tụng câu chuyện đời của cô  như minh chứng cho một tấm gương của một tấm lòng Bồ tát chân thực giữa xã hội ngày nay.
                      Buổi chiều Thềm Xưa như lắng đọng lại, ánh nắng vàng nhạt nhòa dần sau những dòng dây leo thả hững hờ dọc tường ngôi nhà có kiến trúc  Tây xưa với nhửng mái ngói gạch nung đỏ au.  Thời gian như trôi chậm lại, không khí cùa bàn cafe 3 chị em bỗng im hẳn nghe được cả hơi thở của 3 con người, Sao lại có những câu chuyện đẹp như trong mơ hiện hữu giữa đời thực như thế. Một câu chuyện sống động giữa cuộc đời xô bồ, dù có những trầm luân của một kiếp người nhưng cuối cùng là một kết thúc thật có hậu, một cuộc đời với những duyên lành, quả ngọt và tôi tin chắc rằng cô ấy đã sinh về cõi Phật. Nơi không có những ưu phiền , đau khổ, bi ai của một kiếp làm người phù du nữa. 
                        Trước khi kể cho tôi nghe câu chuyện đó, em hỏi tôi có tin không vào những gì gọi là nhân quả, là cái đức, cái hậu của một kiếp người trồng quả ngọt. Tôi bảo: Tôi tin chứ! Tôi rất tin vào điều đó. Con người nếu không có đức tin vào bất cứ một điều gì thì sẽ không còn làm được bất cứ điều gì nữa và là một cuộc sống đáng chán không mục đích, không có lý tưởng và niềm tin nào ở bên cạnh họ được nữa. Và tôi tin vào Đạo Phật. Tôi tin vào những duyên lành. Tôi tin những gì của sự kiên trì, bền chí, của những quả gieo trồng bằng những thiện căn, bằng cả trái tim và sự tin tưởng tuyệt đối vào Luật Nhân quả của Đạo Phật, của cuộc sống này. 
                         Và cũng đúng thôi! Cô tín nữ có tấm lòng Bồ tát ấy đã sống một cuộc đời trọn vẹn với một công việc trọn vẹn từ năm này sang năm khác. Cả cuộc đời cô ấy chỉ một mục đích duy nhất đó chính là báo hiếu cho người mẹ đã có công sinh thành ra cô, dù không có thời gian dưỡng dục lâu dài nhưng cái ơn đức dưỡng dục 9 tháng 10 ngày khi cón nằm trong bụng mẹ, 4 năm trời vất vả nuôi con bé dại một mình và lìa đời sớm của người mẹ cô ấy cũng đủ để cho một người con cả đời bỏ hết công sức vào việc báo hiếu và siêu thoát luôn cả những vong hồn không nơi nương tựa của cõi Âm ty. Một câu chuyện thật đẹp và xúc động!
                             Cô tín nữ ấy, lẻ loi một mình trong cuộc đời này nhưng bên cô không đơn độc vì có đạo, có các ni sư trong ngôi chùa bé nhỏ ở khu dân cư lao động nghèo ấy, có đức tin, cô có tất cả: có sự kiên trì, có tấm lòng quảng đại, vị tha và trên hết là tấm lòng hiếu thảo tuyệt đối với người mẹ quá cố của mình. Cuộc đời cô bình dị quá nhưng cái công đức cô để lại cho đời không bình thường, đó là cả một tấm gương chân thực sống động. Là hiện thân của một vị Bồ Tát giữa xã hội hiện đại với những đầy rẫy những điều tưởng chừng như làm con người lạc lối, hoang mang... và nghe câu chuyện của cô, qua lời kể của một người em trai là một chiến sĩ công an bảo vệ. Lòng như nhẹ ra và mênh mang ... thoát tục. Ừ! Cuộc đời này vẫn còn lắm những điều hay ho và những điều kỳ diệu.
                       Chợt nhớ đên những người bạn bè tôi. Học cao, hiểu rộng nhưng... không dám bàn thêm điều gì chỉ hy vọng các bạn tôi, có ai vô tình vào những trang viết của tôi được mở cho mọi người cùng xem, vô tình đọc bài viết này, và chỉ xin một điều rằng đọc xong câu chuyện trên hãy lắng lòng mình vài giây phút để nhắm mắt tưởng niệm về cô - vị Bồ Tát sống hiện thân giữa cõi đời này và nghĩ về những người Cha, những người mẹ mình ...
                       Tôi biết, trong số những bạn bè tôi có những người có cuộc sống gia đình với đấng sinh thành không được trọn vẹn theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng trước khi yêu một ai khác ngoài những người thân của mình, hãy yêu thương cha mẹ mình trước đã. Dù cha mẹ có là một người xấu như thế nào với những người chung quanh, với xã hội, nhưng đã trộm khí Trời, tinh cha  huyết mẹ nuôi dưỡng ta nên hình hài ngày hôm nay. Ta lớn lên từng ngày qua mồ hôi cha, qua máu và nước mắt mẹ thì chưa đáp đền được gì đã vội tính công, đã vội kể những điều không hay về cha mẹ mình với chúng bạn.... Bạn ơi! sao không nghĩ rằng, khi ta kể về cha mẹ mình với những điều kém hay ho như thế, người nghe sẽ đồng cảm và thông cảm với bạn sao khi bạn được tạo ra từ những bậc sinh thành như thế?! 
                       Buổi chiều gió lao xao, không chút ánh nắng của một ngày cuối tháng Tư, ngồi ở một quán cafe quen thuộc vắng vẻ của buổi chiều tà sắp mưa... nghe Chênh Vênh của Lê Cát Trọng Lý _ một nhạc sĩ nữ trẻ đầy tài năng gần đây và mới hôm qua kia thôi, tôi còn đọc được một bài phỏng vấn về cô gái nhỏ nhắn này với những lời lẽ trả lời phóng viên đầy thông minh và chân thật. Tôi đã vô cùng thích thú với câu trả lời của cô rằng:"Tôi rất thương bố mẹ vì cả đời họ nuôi nấng tôi, thế nhưng chưa bao giờ tôi thương lại họ, trong khi đi thương một người lạ. Tôi thấy nó kỳ quá, bắt đầu băn khoăn về hai chữ nhân duyên...."
                      Mấy ai trong số bạn bè tôi hiểu được thấu đáo điều này?! 2 chữ "tình yêu" bao hàm nhiều ý nghĩa chứ đâu nhất thiết chỉ nằm trong phạm vi của lứa đôi???
..................ngồi kể lại câu chuyện nghe được bên Thềm Xưa cách đây hơn nửa tháng,... trong tiếng gió xào xạc của hàng tre bên hè quán... ngẫm lại những câu chuyện của các bạn bè trong thời gian qua. Thoáng buồn cho họ,... học chi cho cao, tìm hiểu chi cho sâu, sách vở, bằng cấp, nói tiếng nước này, văn hóa vùng nọ, xứ kia, tôn giáo, chính trị, gì cũng biết...  chỉ duy nhất một điều... cái lẽ sống ở cuộc đời xô bồ này, chắc phải học từ vị Bồ Tát sống hiện thân xuống cõi đời ô trọc này qua cuộc đời của cô bán vé số kia.
                 Chiều nhạt nắng, đắng miệng với tách cafe Rhum nửa muỗng đường, nhưng sau vị đắng, có vị ngọt thơm của rượu và in ít nửa muỗng đường cũng đủ làm miệng ta ngọt ngào sau khi trải qua hương vị đắng cay kia.... Đời vẫn trôi và còn bao nhiêu câu chuyện tôi sẽ được nghe nữa trên quãng đời còn lại đi góp nhặt những gì gọi là cái hồn, cái đẹp của cuộc sống này như câu chuyện một chiếu bên Thềm Xưa???
 
            Thật khó mà định nghĩa được tình yêu là gì?!
          Dạo này thấy bạn bè, anh em chung quanh ta nhiều người lăn tăn chuyện tình cảm yêu đương trai gái quá! Làm bản thân cũng có chút gì đó băn khoăn.... tự hỏi lòng phải chăng ta vô cảm rồi ư?!
          Ngày xưa, ở cái lứa tuổi thanh niên, mười tám, hai mươi, cũng yêu, cũng lăn tăn, cũng bâng khuâng, xao xuyến, say nắng, say mưa với đôi khi là một ánh mắt âu yếm, đôi khi là một cái nắm tay rụt rè, một cái vô tình đụng nhẹ, một câu nói, một cử chỉ quan tâm, lo lắng, chăm sóc của người mình để ý....rồi ngộ nhận, rồi say nắng, say mưa, rồi dệt mộng, rồi suy đoán, suy diễn, nuôi ảo tưởng.... những thứ cảm giác ấy, những cảm xúc ấy như từng cơn sóng, đến rồi đi, có khi thì dữ đội, ồn ào, có lúc lại lặng lẽ, dịu êm.... rồi thôi... mỗi đợt sóng đến như vậy, cuốn ập vào đem theo bao nhiêu là những thứ mà ta gọi đó là kỷ niệm... có cái tấp vào bờ và lưu lại mãi nhưng cũng có khi sóng đến dữ dội, bất thần ập vào rồi lại bất giác dạt ra và cuốn theo bao nhiêu là thứ trôi tuột theo nó.... Và những cơn sóng tình cũng vậy!
             Tình cảm của con người, theo thời gian có thể biến chuyển và thay đổi mà với những người suy nghĩ hẹp hòi cục bộ, họ có thề cho rằng đó là một sự phản bội, họ có khi không chấp nhận sự thật khi người mà mình hằng yêu thương lại có lúc rời xa mình để đến với một người khác... 
                 Có nhiều người cho rằng tình yêu của con người là một thứ phù phiếm và không bao giờ vĩnh cửu. Vâng! Trên đời này làm gì có thứ gọi là vĩnh cửu, chỉ có những điều ở mức tương đối mà thôi. Cách ta nhìn nó vĩnh cửu hay không là do bản thân ta có biết hài lòng với những thứ ta đang có hay không mà thôi?!
                     Với ta, ta tin tình yêu có sự vĩnh cửu, bản thân tình yêu không có tội .... dù trải qua những cuộc yêu đương, song phương có, đơn phương có, có những đắng _ cay _ ngọt_ bùi nhưng khi ta chia tay, tất cả ta lưu giữ như những kỷ niệm đẹp đẽ, không tiếc nuối, không ân hận, không day dứt, và ta trân trọng những tình cảm đó đã qua và giữlại những gì tốt đẹp nhất như vốn liếng trong hành trang cuộc đời của ta vậy. Chính vì thế, ta có những bạn bè, anh em thân thiết , khi cần, khi hoạn nạn là ở bên cạnh giúp đỡ nhau, chia sẻ an ủi nhau và những người đó ta đã từng yêu, đã từng ngồi với ta chung một đoạn đường nhưng có lẽ vì có duyên không phận nên ta và người không thể thành đôi. 
                    Khi chia tay, ta rút lui trong lặng lẽ, trong im lặng, không có nước mắt, không có sự trách móc, không có những màu mè của hoa lá cành rườm rà của sự chia ly... chỉ có những cơn mưa lang thang độc hành rửa giùm ta nỗi đau của sự chia ly đó.... mà nguyên nhân của những sự chia ly đó có khi là người lỗi, có khi là ta cảm thấy không thề hòa hợp được và ...........lặng thầm chia tay. 
                        Và sau mỗi lần chia tay , sau mỗi lần chấm dứt một chuyện tình hay sau mỗi lần có một người vừa đi qua cuộc đời ta như thế trái tim ta lại thêm lồi lõm những sẹo, những vết cắt, những vết khuyết.... nhưng ta chấp nhận và mỉm cười.
                     Cón các bạn ta, chắc mỗi người có những cảm nhận khác nhau về tình cảm con người... có những suy nghĩ  và hành động khác nhau qua những cơn sóng tình như thế nên cách họ đối phó với những cơn sóng tình cũng thật là khác nhau.
                      Có người xưng tụng nỗi buồn, dệt thêm hoa lá, tô màu cuộc tình mình như một thiên tình sử để rồi khi không vẹn tròn, ôm mối hận tình, đau đớn, mất cả niềm tin nơi người khác phái, để rồi trượt dài, để rồi mang theo tư tưởng hận thù, trả thù đời, trả thù tình.... Họ đâu biết rằng chính họ đã đào thêm cho mình những hố sâu ngăn cách, họ đã lấp mất đường tìm kiếm cho mình những cơ hội mới để mở cửa con tim, để tìm ra cho mình tình yêu chân thật. Họ đã gom đũa cả nắm và nhìn đời với một gam màu đen u ám.
                      Có người hoang tưởng với cuộc tình hiện tại, khi yêu họ dệt mộng màu hồng, nhưng khi có những vấp váp trở ngại khó khăn xảy ra, tình yêu không đủ lớn để vượt qua được tất cả những khó khăn trắc trở ấy, họ buông xuôi và than thân trách phận cho duyên số của mình để rồi tuyệt vọng, bi quan, bế tắc.... cùng đường, quẫn trí....
                          Có bạn khi tình yêu tan vỡ, quay lưng lại nói xấu, hận thù người mình đã từng yêu thương, vai kề vai một thời. Ta đã từng bị shock khi nghe một câu nói thốt ra từ một người bạn gái, sau khi chia tay cuộc tình ba năm với anh bạn trai, vì lý do 2 người không hợp và những lý do khác mà khi mới yêu nhau họ đã bị che mắt nhau những khuyết điểm....khi người bạn trai ấy đi lấy vợ, chuẩn bị có con thay vì mừng cho người mình từng yêu có một gia đình hạnh phúc thì cô bạn gái ấy đã thốt lên rằng:"Thằng chó đẻ đó sắp có con."_ Thật bất ngờ và phản cảm vô cùng!
                          Có những bạn trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay, không yêu bằng cảm nhận con tim, không yêu vì những cảm xúc yên bình hay sự đồng cảm chia sẻ của đối phương mang lại mà họ đã yêu bằng đôi mắt, họ đã yêu bằng đôi tai, họ đã yêu với cái vỏ bọc, với cái vị trí, cái hào nhoáng và những danh hiệu, cái  vật chất phù phiếm, xa hoa. Với họ những cơn sóng tình mang lại cho họ chỉ là những giây phút vui chơi, những lời ca tụng, khen ngợi, những cảm giác yêu đương vội vã của nhục dục để rồi sau dó là những khoảng trống mênh mang, họ vẫn cảm thấy sự cô đơn trống vắng và thèm khát được cái cảm giác yêu đương đích thực của sự dịu dàng, chia sẻ thật sự, họ đâu biết cái họ cần thực sự chính là một bờ vai để tựa đầu những khi mệt mỏi; là một sự im lặng lắng nghe khi họ thổn thức chuyện đời; là sự im lặng sẻ chia những nỗi đau mệt nhoài trong cuộc sống mưu sinh và sự đồng cảm, nhìn về một hướng của 2 con tim chung một nhịp đập....
                      Ta thà yêu đơn phương một người để ngày ngày hạnh phúc , vui buồn đồng hành cùng với người ta yêu thương trên từng bước đường đời.... còn hơn ta phải vai kề vai, sát cánh, tựa đầu vào bờ vai của một người mà cả cuộc đời ta không thề nào hòa hợp được, không thế nào mang đến được cho ta cảm giác bình yên sau từng giờ từng phút đối mặt với những lo toan vất vả của cuộc đời bên ngoài.
                        Trong ta cũng đang có những cơn sóng tình lăn tăn gợn sóng.... chưa biết lúc nào sẽ biến thành thủy triều lớn để cuốn trôi tất cả nhưng ta tin, ta có thể dung hòa được cơn sóng tình ấy để biến nó thành những gợn sóng lăn tăn yên ả cho cõi lòng ta được thanh thản và vui sống cùng bạn bè, người thân.
                        Và các bạn cũng vậy nhé! Các bạn của ta.... đừng sợ những cơn sóng tình trong lòng mình nhưng đừng biến nò thành những cơn sóng thần ập đến vội vã để rồi cuốn phăng đi tất cả tan hoang, hoang tàn, đổ nát, .... lúc đó chỉ còn lại là những niềm đau và sự ân hận day dứt cả đời!
                         
 
                     Mấy ngày nay trong xóm nhỏ trên con đường Hòa Hưng của mình xảy ra nhiều việc quá! Đầu tiên là cách đây hơn 10 ngày, một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách nhà  mình mười mấy met. Hậu quả là 1 người sau khi được đưa đi bệnh viện cấp cứu thì đã chết ngay sau đó.
                    Người bị tai nạn giao thông vừa chôn xong thì đến cụ bà 91 tuổi gần nhà mình lại lìa đời... Trong xóm còn có bao cụ bà cựu trào đâu...và lại tiễn biệt thêm một người nữa.
                      Cụ bà vừa được chôn cất hôm trước thì hôm sau đã xảy ra một vụ án mạng và thêm một người nữa lìa đời. Anh Trực, chồng của chị Yến, hàng xóm đối diện xéo nhà mình đang ngồi nhậu trước nhà với các anh em vợ trong gia đình và mấy người hàng xóm thì lại bị sát thủ không biết do ai thuê mướn đến đâm mấy nhát vào ngực và chết trên đường đem đi cấp cứu.
                      Cho đến giờ mình mới cảm nhận thật sâu sắc rằng cuộc đời này thật là vô thường! Mọi việc diễn ra quá nhanh chóng, không ai ngờ đến được... cuộc đời thật mong manh, ngắn ngủi làm sao...?!?
                        MỘt đời người _ có người sống thọ và hiền lành như cụ bà 91 tuổi hàng xóm nhà mình kia... sống qua mấy thời từ lúc con đường Hòa Hưng vẫn là một xóm mái lá nhà tranh, hoang sơ, hẻo lánh theo lời mẹ kể cho đến khi bây giờ là một con đường sầm uất, đông đúc chật chội... Cụ vẫn như thế, nhớ lúc cụ còn sống, thường nhắc cái ghế ra ngồi trước nhà mỗi buổi chiều để nhìn đường xá, xe cộ qua lại. Trông cụ thật hiền lành và đôn hậu làm sao??? Cụ đã sống m6t đời thật thanh thản và bình yên và nghe kể như ngọn đèn dầu cạn dần và từ từ lụi tàn, cụ ra đi do bệnh già cũng êm ái nhẹ nhàng như cách cụ thể hiện lúc còn sống. Con cháu quây quần, tiếc thương lúc cụ lìa đời. Đám tang diễn ra thật tươm tất chu đáo, tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê nhà. Vậy là một đời người trọn vẹn đã đi qua!
                      Cũng là một đời người, vậy mà người bị tai nạn giao thông, một người đàn ông, sống với mẹ già bán xôi ở đầu chợ nhỏ. Ông còn độc thân và làm nghề chạy xe ôm nhưng sáng say, chiều xỉn, không biết do cuộc sống khó khăn, quẫn chí hay theo thói thường của những người làm nghề lao độngt phổ thông chân tay mà họ thường mượn rượu để giải sầu, để tìm quên sau một ngày lao động mệt nhọc... và tai nạn giao thông xảy ra khi trong người có men rượu, lái xe quá tốc độ là điều tất yếu. người đàn ông đó mất đi để lại mẹ già khổ cực với xe bán xôi mỗi buổi sáng. Ông nằm xuống đã yên nghỉ rồi, nhưng nỗi đau của người mẹ già thì bao giờ nguôi và đến khi người mẹ 100 tuổi... ai sẽ lo??? Thật là đau lòng... cũng là một đời người, một kiếp người đã qua...
                       ..........Và điều làm mình cảm nhận thật sâu sắc về cuộc đời mong manh ngắn ngủi đó là cái chết của anh Trực, hàng xóm đối diện nhà mình. 
                             Chỉ mới ngày hôm kia thôi, mình vừa về nhà sau 2 đám sinh nhât của 2 người bạn ... chạy xe về trước cửa nhà, nhìn sang nhà anh, còn thấy anh đang ngồi nhậu với các anh em trong gia đình và hàng xóm, bàn nhậu vui vẻ, bình yên... vậy mà mình mới quay lưng vô nhà chưa đầy mười phút sau đã nghe ồn ào phía trước nhà và chỉ một tiếng sau đó anh đã lìa đời do vết đâm sâu của tên sát thủ máu lạnh nào đó mà ngay cả hắn cũng không biết mặt anh là ai, chỉ do người ta thuê  mướn và xướng tay một cách lạnh lùng tàn nhẫn như thế!?
                             Anh Trực mất đi với tuổi còn quá trẻ, 37 tuổi và con gái thì chỉ mới 3 tuôi thôi. Vợ anh, chị Yến, vật vã khóc ngất lên ngất xuống. Mọi người trong xóm ngỡ ngàng, thương xót... cũng là một kiếp người, một đời người đã đi qua...
                             Đời một con người chứa đựng những điều bất ngờ khó lý giải được mà với môt người suy nghĩ nhiều như mình, một người khá nhạy cảm và có những giác quan thật khác người như mình nhiều lúc còn cảm thấy ngỡ ngàng và khó hiểu. 
                           Càng lớn mình càng cảm thấy cuộc sống thật là khó khăn, phải đấu tranh, phải vật lộn với cuộc sống, với chính cả bản thân mình và chiến đấu ngay cả với hính bản thân, bản năng của mình nữa. Để làm một người bình thường đã khó mà để trở thành một người tốt, một người được mọi người vị nể, tôn trọng lại càng khó gấp trăm lần. Có những cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa, nhưng cũng có những cuộc đời được kéo dài như một sự hành xác, như một cái nợ từ kiếp trước đã vay nên kiếp này phải trả, phải sống để chịu đựng những gì mà từ kiếp trước đã gieo.... thật khốn khổ vô cùng.
                         Cuộc sống để sinh tồn là một cuộc chiến đầu sinh tử, con người ta phải lừa lọc, dối trá, bon chen, chà đạp l,ẫn nhau để cố giành được cho mình một thừ gì đó, vô hình, phù phiếm... ảo ảnh để rồi khi kết thúc cái cuộc đời ngắn ngủi đó, ta lại nằm xuống tay trắng, bỏ lại tất cả ....
                          Vậy thí bon chen để làm gì? Sân si để làm gì? Ganh đua để làm gì?.... ta rồi cũng sẽ trở thành cát bụi, vô hình, .... tất cả đến đi nhanh như một hơi thở, nhanh như một cái chớp mắt,.... thoắt một cái, một đời người, một kiếp người đã trôi qua.